Mấy chục năm qua, cứ thỉnh thoảng tôi lại nghe không ít người nói rằng tiếng Việt hay lắm, đáng yêu lắm, phong phú lắm, giàu có lắm… Và cứ mỗi lần nghe những nhận định như thế, tôi lại phải vui vẻ đồng ý ngay, sợ bị chụp cho cái mũ vong bản đội chơi cho vui đời lưu vong thì khổ. Nhưng trong lòng thì đồng ý được khoảng một nửa cũng đã là nhiều lắm rồi.

Tiếng Việt của Nguyễn Du, Ðoàn Thị Ðiểm, Hồ Xuân Hương … trong máu của chúng ta, mà chúng ta đã “yêu từ khi mới ra đời” như Nguyễn Ðức Quỳnh đã khẳng định hồi nào, như Phạm Quỳnh đã gắn vận mệnh, sự sống còn của nó cùng với đất nước và truyện Kiều quả là có đáng yêu và đẹp thật nhưng nó có được “anh hùng chen chân thế giới” thì mới đây mới thấy. Nhưng thấy được rồi thì lại cũng chẳng vui được bao nhiêu.

Một bản tin của thông tấn xã Jiji cho biết một số cảnh sát viên ở một thành phố cách Tokyo không bao xa mới đây đã ghi tên theo học tiếng Việt ở mấy trường dạy Việt ngữ ở thủ đô Nhật. Những người này còn định đi Việt Nam để học thêm vì muốn sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo hơn nữa.

Nghe vậy mà không sướng ư!

Phen này, những người chiếu cố học tiếng của chúng ta sẽ đọc văn chương truyện Kiều thoải mái, đọc Hồ Xuân Hương bù lại những ngày chúng ta đọc Basho, Issa, Kawabata, Mishima… rồi nhá.

Nhưng đọc hết bản tin thì mới biết những người cảnh sát Nhật này học tiếng Việt không phải để yêu Ðinh Hùng, Vũ Hoàng Chương … hay để nghe quan họ, hò Huế, vọng cổ … gì hết.

Họ học tiếng Việt vì nhu cầu công việc. Công việc của họ đòi hỏi họ cần biết tiếng Việt để dùng trong công việc khi phải có những tiếp xúc với một số người Việt ở ngay thành phố của họ. Những người Việt này một số không nói được tiếng Nhật và những cảnh sát viên này thì lại không nói được tiếng Việt. Ngôn ngữ bất đồng. Hai bên không cách gì hiểu được nhau. Phiền vô cùng.

Thành phần họ phải tiếp xúc là những người Việt bị bắt về tội trộm cắp. Cảnh sát không cách nào thẩm vấn họ, lấy lời khai của họ được. Chẳng lẽ bó tay. Thế nên họ quyết định phải đi học tiếng Việt. Học để nói được một cách thông thạo chứ không thể tiếp tục ra hiệu bằng tay mãi được nữa. Những tấm bảng cảnh cáo không nên ăn cắp viết bằng chữ Việt treo ở nhiều nơi tại cái thị trấn ấy không giảm được những vụ phạm pháp của người Việt. Thì thôi đi học tiếng Việt cho rồi.

Nhu cầu nói và hiểu được tiếng Việt của cảnh sát ở thị trấn này chắc phải nhiều lắm. Nhiều đến độ các cảnh sát phải đi học tiếng Việt. Như vậy có nghĩa là con số người Việt phạm pháp nhiều lắm và những lần phải làm việc với những người này cũng phải thường xuyên lắm. Thường xuyên đến độ các cảnh sát viên phải học tiếng Việt để dùng cho tiện, không thể chờ kiếm được thông dịch viên như năm thì mười họa, vài ba năm một lần được nữa.

Phải học tiếng Việt là vì vậy chứ không vì một lý do văn hóa nghệ thuật nào cả.

Tuần trước, ở Malaysia, một phụ nữ Việt bị bắt quả tang ăn trộm điện thoại đã bị đám đông hành hung và làm nhục ngay giữa đường phố. Báo chí đăng hình còn ghi rõ quốc tịch Việt Nam của cô.

Một con ranh, con một ông lớn trong nước cũng chơi trò bàn tay nhám tới hai lần, một lần ở Anh, một lần ở Thụy Điển nhưng nhờ gốc lớn, nó lại về nước xuất hiện trên các chương trình văn hóa Việt trên đài truyền hình của bố nó.

Nham nhở đến tận cùng của sự nham nhở.

Không thể đổ cho tàn dư Mỹ Ngụy nhá. Mấy chục năm “học tập theo gương đạo đức của Hồ chủ tịch” đấy chứ “Mỹ Ngụy” hồi nào hè!

Tội nghiệp tiếng Việt biết là chừng nào là như vậy. Học tiếng Việt chỉ là để lấy lời khai của các “cháu ngoan” trộm cắp của “bác Hồ” đấy chứ.


Bùi Bảo Trúc