Trong 100g yến sào, chỉ có 60% yến thật. Sau khi ngâm yến vào thuốc tẩy, người ta còn nhuộm thêm màu vàng, đỏ... bằng hóa chất độc hại.
Trên nhiều diễn đàn về yến sào, bên cạnh việc thảo luận cách chế biến sao cho đúng, các thành viên còn mách nhau về tình trạng yến sào giả tràn lan. Đặc biệt, các trang tin của những công ty kinh doanh mặt hàng này cũng tự cứu bằng cách đưa ra những thông tin về tổ yến giả, chiêu thức làm yến sào giả cũng như kinh nghiệm phân biệt hàng thật với hàng nhái.
Tổ yến lấy về, loại bỏ lông, đất, cỏ... cắt thành miếng nhỏ, tiếp tục xử lý.
Sau đó, ngâm vào nước cho tạp chất nổi lên rồi ngâm thuốc tẩy cho trắng,
sau đó dùng nước sôi rửa cho đến khi không còn mùi thuốc tẩy.
Theo đó, những chiêu thức làm yến sào giả bao gồm: yến trắng nhuộm thành yến huyết, yến độn (dùng tổ yến vỡ rồi vá, độn thêm tinh bột hay đường hoá học vào yến tinh chế), yến làm bằng tinh bột, phun sương để tăng trọng lượng…
Đặc biệt, công nghệ làm sạch yến sào bằng thuốc tẩy cũng được phơi bày trên nhiều trang mạng xã hội. Trên một blog, bài viết “Ăn tổ yến xem như đang tự sát” đề cập đến quy trình làm yến sào còn đính kèm hình ảnh chi tiết, cho thấy để làm sạch lông chim, tạo chất dính vào tổ yến, công nhân sau khi cắt nhỏ tổ yến đã ngâm vào thuốc tẩy.
Sau vài tiếng đồng hồ, yến được vớt ra, để ráo và cho vào nước sôi lần nữa cho bay mùi thuốc tẩy. Yến vụn này sẽ được cho vào khuôn, đóng thành tổ và đem sấy một ngày một đêm thì cho ra thành phẩm gồm nhiều dạng như: hình chiếc lá, hình tròn, hình dài... Để trở thành huyết yến, hoặc yến đặc biệt bán giá cao hơn, người ta nhuộm thêm màu vàng, đỏ.
Tiếp đến là bắt đầu gia công, làm thành bánh miếng tổ yến.
Sấy khoảng một ngày đêm là thành những tổ yến trắng đẹp.
Không chỉ phơi bày công nghệ làm yến sào mất vệ sinh, bài viết còn cung cấp thông tin Malaysia và Indonesia mỗi năm sản xuất ít nhất 800 đến 2.000kg tổ yến. Một số nhà máy sử dụng H2O2 (hoá chất có độc tố, có thể gây ung thư, không dùng cho thực phẩm) để tẩy mùi tổ yến, còn SO2 và SO3 thì dùng để làm trắng tổ yến…
Ngoài yến nhà, yến đảo, trên thị trường nhiều cửa hàng, đại lý còn bày bán yến sào nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia… và giới thiệu là yến Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Phước, từng làm nhân viên cho một đại lý bán yến sào, cho biết yến sào nhập khẩu chất lượng không thể bằng yến đảo, giá nhập vào rẻ hơn giá bán ra nên được doanh nghiệp, cửa hàng nhập về. Khi đã lên bao bì, đóng gói thì rất khó phân biệt đâu là yến nhập, đâu là yến ta.
Theo ông Trương Xuân Vũ Tiến, chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh yến thì mặt hàng yến sào thô làm giả đã giảm đáng kể, còn yến sào làm sạch (qua sơ chế) được độn thêm đường, vi cá, mủ trôm, rau câu và chất kết dính (bán nhiều tại chợ Kim Biên, các kiốt gần đại học Bách khoa TP HCM) vẫn rất phổ biến. Theo ông, 100g thì chỉ có 60% yến, còn lại là các chất phụ gia, như vậy là “ăn cắp” tiền khách hàng. Thế nhưng, khách lại chuộng yến làm sạch hơn là tổ yến thô.
scr : soha online
**
Yến sào: Thật, giả khó lường
Dùng hóa chất tẩy trắng chống mốc, độn thêm rau câu, mủ trôm, thậm chí là bún tàu, rồi… phù phép thành yến sào để bán với giá cao.
Biết chúng tôi có nhu cầu tìm nguồn yến sào ổn định để đưa về các tỉnh miền Tây tiêu thụ, một người dắt mối giới thiệu đến gặp anh Minh (chủ một cơ sở chế biến yến ở quận 8, TP HCM). Khi chúng tôi nhất quyết đòi tham quan cơ sở trước khi quyết định mua, anh Minh dẫn đến một căn nhà trong con hẻm nhỏ ở đường Âu Dương Lân, quận 8.
“Công nghệ” thêu tổ
Cầm trên tay những tổ yến méo mó, sứt sẹo, to nhỏ không đều nhau, anh Minh cho biết nếu cứ để nguyên thế này thì chẳng ai dám mua vì lẫn trong tổ yến có rất nhiều tạp chất như lông, rác, phân, đất, cát. Để bán được hàng, các cơ sở chế biến phải làm công việc “dọn” yến trước khi đóng gói. Mở một bao tải đựng tổ yến màu trắng ngà rất đều và đẹp, anh Minh cho biết cơ sở thường đặt mua tổ yến từ Malaysia hoặc Thái Lan với giá khoảng từ 5-6 triệu đồng/100 g rồi về gia công.
Một nhà nuôi chim yến ở Ninh Thuận,
địa phương có nghề nuôi chim yến lấy tổ đang phát triển mạnh
Cách “dọn” tổ yến nghe thì đơn giản nhưng thao tác lại khá phức tạp mà chỉ những người thợ chuyên nghiệp mới làm được.
Khu vực gia công của anh Minh được bố trí riêng biệt trên 2 tầng lầu của căn nhà và được giao cho những người thợ “ruột” hoặc con cháu để không lộ bí quyết. Theo đó, tổ yến được ngâm nước cho nở tung ra rồi cho dầu ăn vào chà xát nhưng không để sợi yến bị gãy vụn, còn các loại tạp chất sẽ bám vào dầu nổi trên mặt nước. Sau khi làm sạch chất bẩn, tổ yến được tẩy trắng bằng hóa chất.
Kế tiếp, nhóm thợ dùng một số nguyên liệu có bề ngoài giống tổ yến như mủ trôm, rau câu trộn thêm vào. Cuối cùng là công đoạn “thêu tổ”. Trên các tổ yến thật, người thợ khéo léo dùng nhíp gắp từng sợi yến đan lẫn với mủ trôm và rau câu để “dệt” thành một tổ yến sào hoàn chỉnh theo một tỉ lệ định sẵn: 20%, 50% hoặc 70% yến nguyên chất. Những tổ yến này sau đó được đóng hộp rất bắt mắt để tung ra thị trường.
Ông Nguyễn Minh Quang - một “chuyên gia” sản xuất yến “độn” ở Ninh Thuận từ hơn 4 năm trước, nay đã giải nghệ - cho biết thêm:
"Thậm chí có thể dùng cọng bún tàu để “dệt” chung với yến thật vì màu sắc, kích cỡ của cả 2 khá tương đồng. Để tránh bị phát hiện vì bún tàu khi ngâm nước sẽ giãn nở, trước khi “dệt” tổ, người ta xử lý bằng cách ngâm chúng vào nước hàn the. Tổ yến dỏm cũng được ngâm phèn chua mươi phút để trắng và dai hơn."
Theo một người buôn yến sào ở Cam Ranh (Khánh Hòa), không chỉ tổ yến được độn khi làm sạch mà ngay cả khi còn thô cũng được “phù phép”. Các cơ sở chế biến ngâm tổ yến thô vào nước ấm để lấy bớt các cọng yến thật, rồi thêm các nguyên liệu dỏm, kể cả lông và tạp chất, sau đó “thêu”, xịt hóa chất chống mốc, tạo hương liệu có mùi tanh tổ yến, nhuộm thêm màu vàng nhạt để giống yến đảo,
Giá nào cũng lời
Anh Minh cho biết với mặt hàng yến sào thì giá nào cũng có. Loại 1 (có khoảng 70% yến thật), giá bán 6 triệu đồng/100 g, loại 2 (50%) giá 4 triệu đồng, loại 3 (20%) giá 2 triệu đồng. Anh Minh tiết lộ trừ những công ty uy tín, còn lại, các cơ sở mua bán yến nhỏ lẻ trên thị trường dù quảng cáo là yến sào thiên nhiên, yến nuôi nhưng thật ra đã pha tạp phẩm nên bán giá nào cũng kiếm ăn được.
Chế biến yến sào, thật - giả khó lường
Theo một chủ cơ sở nuôi yến ở Ninh Thuận, để dễ dàng móc túi người tiêu dùng, các đầu nậu trong nghề thường phân ra các loại yến đảo (tức yến tự nhiên thu hoạch từ các đảo) có màu vàng đục, yến nhà (yến nuôi) có màu trắng ngà và yến huyết (chim yến nhả máu để làm tổ) có màu đỏ bầm.
Vì vậy , yến huyết có giá cao nhất, từ 12-15 triệu đồng/100 g, yến đảo có giá 6-8 triệu đồng, yến nhà có giá từ 3-4 triệu đồng. “Thực tế thì yến nào cũng phải “dọn”, phải “thêm”, phải “nhuộm” trước khi đem đi tiêu thụ. Đã mang yến sào đi bán không ai để nguyên vì nhìn rất xấu, không được giá. Vả lại, muốn lời, chắc chắn phải thêm các nguyên liệu khác rẻ tiền hơn” - anh Minh khẳng định.
Các chuyên gia về yến sào của Công ty Yến Việt Ninh Thuận cho biết , để có được một tổ yến nguyên chất, hợp vệ sinh, phải qua nhiều công đoạn xử lý. Tại công ty này, tổ yến sau khi thu hoạch được đưa vào lò hấp công nghệ để khử trùng, sau đó sơ chế. Sản phẩm yến sào sơ chế được đưa đến các cơ quan chức năng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng, khi đó mới đưa đi tiêu thụ.
Thiếu kiểm tra chất lượng
Hiện nay, mô hình nuôi yến lấy tổ đang phát triển ở nhiều địa phương. Vì là yến nuôi nên giá không cao, giới bình dân cũng có thể mua dùng. Tuy nhiên, khi xuất hiện quá nhiều nguồn cung cấp sản phẩm này thì việc thẩm định chất lượng trở nên khó khăn hơn. Người tiêu dùng có thể bị lừa gạt khi bỏ ra số tiền lớn để mua các sản phẩm yến sào kém chất lượng, bị pha trộn.
Điều đáng lo là hiện vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào đặt vấn đề kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng các sản phẩm yến sào trên thị trường.
scr: NLĐ